Thời Gian Làm 8:00 - 20:00Thời Gian Làm 03.8558.1111

Bệnh giang mai đã từng xuất hiện tại Việt Nam 1000 năm trước

Tham vấn y khoa : Hà Văn Hương

Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện một sọ người đàn ông ở Nà Lồi (Suối Bàng, Mộc Châu, Sơn La) thuộc thời Đại La – Hoa Lư – Lý sớm, cách chúng ta trên dưới 1.000 năm có tổn thương do vi khuẩn giang mai.

Thế giới vẫn còn bàn cãi
Nguồn gốc phát sinh của bệnh giang mai hiện vẫn chưa được giới khoa học ngã ngũ. Quan điểm truyền thống gắn bệnh này với thổ dân châu Mỹ và việc thủy thủ đoàn của Cristop Colombo đã nhiễm bệnh từ châu Mỹ rồi đưa về quê hương châu Âu vào thế kỷ XVI. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng rằng đây là một bệnh nhiễm khuẩn vốn đã từng có từ lâu đời trong lịch sử loài người ở mọi châu lục, chứ không phải là một “đặc sản” của thổ dân châu Mỹ.

Những phát hiện và nghiên cứu bệnh lý trên xương người từ các cuộc khai quật khảo cổ học đã đưa ra ánh sáng những bằng chứng thuyết phục. Những bộ xương từ vụ phun trào núi lửa năm 79 sau Công nguyên tại Pompei đã cho thấy dấu hiệu của bệnh nhiễm khuẩn giang mai.
Một bộ xương thai nhi khác khai quật ở Pháp cũng được các nhà khoa học chẩn đoán do người mẹ mắc bệnh giang mai gây ra. Thậm chí, một số bộ xương của Hy Lạp có niên đại trước Công nguyên cũng đã từng được cho là mang chứng bệnh giang mai.

Trong khung cảnh các ý kiến còn chưa ngã ngũ như vậy, việc góp thêm những chứng cứ từ nghiên cứu bệnh lý xương khảo cổ đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.

Tại Á châu, một chiếc sọ người thuộc thời đại Edo của Nhật Bản 江戸時代 (Edo jidai, từ 1603 – 1868) hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Tự nhiên Tokyo được chú thích mang bệnh 江戸時代 (giang mai). Nhìn vào sọ này ta thấy rất rõ các hốc sâu loang nham nhở trên nền xương sọ ở phần đỉnh trán trông như bệnh lao xương. Theo các nhà khoa học, đây là di chứng để lại do khuẩn xoắn treponema phá hủy trong một thời gian khá dài, có khi tới 10 năm, gây tổn thương thần kinh, cho đến khi nền sọ bị xuyên thủng, khuẩn treponema xâm nhập vào não dẫn đến tử vong.

Bất ngờ lớn từ Việt Nam
Khi được trực tiếp xem xét chiếc sọ bị bệnh nói trên ở Bảo tàng Tự nhiên Tokyo và làm việc với một số nhà nhân học Nhật Bản, tôi nhận thấy trong sưu tập xương cốt người lưu giữ tại Bảo tàng Phạm Huy Thông thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á có một bộ xương mang chiếc sọ bị thương tổn rất giống với chiếc sọ mắc bệnh giang mai nói trên ở Nhật Bản.

Đó là bộ xương mang ký hiệu NL06-M01 sưu tầm ở khu mộ treo trong một hốc đá ở Nà Lồi (Suối Bàng, Mộc Châu, Sơn La). Những đồ tùy táng sành, gốm chôn cùng cho thấy tuổi của bộ xương nằm trong khoảng thế kỷ IX – XI, tương đương thời Đại La – Hoa Lư – Lý sớm, cách chúng ta trên dưới 1.000 năm. Người chết là một người đàn ông chừng 45 tuổi, vóc người cao lớn (khoảng 170cm), nét mặt quắc thước. Phần đỉnh trán nửa bên phải có một vùng hốc xương bị ăn rỗ loang lổ sâu vào nền sọ, mỗi chiều rộng chừng 4cm, chỗ sâu nhất tới 0,7cm. Ở phần xương chẩm có một lỗ sâu dạng miệng núi lửa rộng chừng 5mm, sâu 0,8cm. Phần trán bên trái và phần cạnh chẩm bên trái cũng có hai vùng thương tổn rộng chừng 2cm, vỏ xương bị ăn mòn nông (1mm).

benh-giang-mai-da-tung-xuat-hien-o-viet-nam-cach-day-1000-nam
Bệnh giang mai đã từng xuất hiện tại việt nam 1000 năm trước

Hình chụp cận cảnh cho thấy, tổn thương xương ở đỉnh trán sọ NL06-M01 hoàn toàn giống cấu trúc và hình thể của các tổn thương giang mai trên sọ Edo của Nhật Bản, cho phép kết luận người đàn ông Nà Lồi cách đây 1.000 năm đã bị vi khuẩn Treponema tấn công từ ít nhất trước khi ông chết 5 – 10 năm. Hiện tại chưa phát hiện những tổn thương do Treponema gây ra ở các phần xương khác trên thân thể.

Phát hiện tổn thương do vi khuẩn giang mai trên sọ người đàn ông ở Nà Lồi góp thêm bằng chứng cho khoa học về tính phổ biến của bệnh này trên phạm vi toàn cầu và đẩy niên đại phát hiện bệnh giang mai trên người châu Á lên tới trên dưới 1.000 năm trước. Đây cũng là người đàn ông mang bệnh giang mai sớm nhất ở châu Á trong tình hình tư liệu hiện nay.

(Theo Tin tức)